Khúc côn cầu trên băng (hockey) là 1 trong những môn thể thao nổi tiếng nhất nước Mỹ. Giải nhà nghề khúc côn cầu (NHL) còn nằm trong 4 giải đấu được phát sóng rộng rãi nhất, chỉ sau bóng bầu dục, bóng chày, bóng rổ.
Trong đó, hockey là môn thể thao duy nhất cho phép các cầu thủ đánh nhau trong các trận đấu. Ở những bộ môn khác, hành vi này sẽ dẫn đến việc bị truất quyền thi đấu đi kèm với những án phạt rất nặng. Tuy nhiên, điều này không xảy ra với khúc côn cầu trên băng.
Trong lịch sử NHL, đã có không ít trường hợp các cầu thủ đánh nhau kể từ năm 1800. Dù các hành vi tương tự đã giảm dần trong các năm gần đây, nhưng việc các cầu thủ 'thượng cẳng chân, hạ cẳng tay' vẫn là 1 nét đặc trưng của môn thể thao này.
Trong bài viết này, The Sporting News sẽ giải thích chi tiết việc tại sao các trận đấu của NHL cho phép cầu thủ xảy ra ẩu đả.
Tại sao khúc côn cầu trên băng cho phép cầu thủ đánh nhau?
Ở môn khúc côn cầu trên băng, các cầu thủ được phép đánh nhau, bên cạnh các hành động như gạt chân hoặc va chạm thô bạo. Tuy nhiên, các cầu thủ vẫn sẽ bị phạt.
Điểm khác biệt lớn nhất là các cầu thủ hockey sẽ không bị truất quyền thi đấu. Ở các môn thể thao khác, cầu thủ sẽ bị đuổi ngay lập tức nếu có hành vi phản tinh thần thể thao lên cầu thủ đội bạn.
Tại sao trọng tài để cho cầu thủ đánh nhau?
Vì luật lệ cho phép nên các trọng tài sẽ không can thiệp vào cuộc ẩu đả giữa các cầu thủ. Họ chỉ xuất hiện khi trận đấu kết thúc, với 1 người ngã ra sân và thua cuộc, hoặc vụ đánh nhau kéo dài quá lâu, khiến đôi bên cảm thấy mệt mỏi.
Thông thường, tình huống đánh nhau xảy đến khi các đội bóng tranh cãi về những quyết định trong trận, hoặc những va chạm quá mức cần thiết ở trên sân. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đôi bên lao vào đánh nhau chỉ để thay đổi động lực của trận đấu.
Luật đánh nhau của khúc côn cầu trên băng
Dưới đây là 1 số quy tắc cần biết khi xảy ra trường hợp đánh nhau tại NHL.
Chủ mưu
Một trận đánh nhau thường diễn ra sau khi đôi bên có được thỏa thuận chung. Đó có thể là thỏa thuận bằng lời nói, hoặc ném găng tay vào đối thủ để cảnh báo trận chiến sắp diễn ra.
Tuy nhiên, nếu 1 bên không sẵn sàng tham dự cuộc ẩu đả trong khi bên còn lại vẫn quyết định tấn công, anh ta sẽ chịu thêm 1 hình phạt bổ sung, bên cạnh việc bị phạt 10 phút thi đấu.
Quy tắc 46.11 ghi rõ: "Người khơi mào cuộc ẩu đả được biểu hiện qua thái độ hoặc các hành động sau: cởi găng tay trước, tung cú đấm đầu tiên, có thái độ và tư thế đe dọa, xúi giuc bằng lời nói, hành vi trả đũa sự cố trong trận".
Sự can thiệp của người thứ ba
Luật này đang ngày càng hiếm thấy tại NHL ngày nay. Luật này đưa ra là để cấm 1 bên cho nhiều cầu thủ lao vào tấn công 1 người bên phía đối thủ.
Nếu trọng tài cảm thấy có người thứ ba xen vào trận đấu tay đôi, họ có quyền đưa ra án phạt.
Mũ bảo hiểm
Ngày xưa, các cầu thủ có thể vứt mũ bảo hiểm vào đối thủ để biểu hiện cho việc khiêu khích đánh nhau. Tuy nhiên, điều này không còn được phép áp dụng trong các trận đấu NHL ngày nay. Nếu cầu thủ nào cởi bỏ mũ bảo hiểm, họ sẽ bị phạt 2 phút vì hành vi phi thể thao. Luật này được áp dụng từ năm 2013.
Cầu thủ sẽ không bị phạt nếu mũ bảo hiểm của họ bị rơi ra 1 cách tự nhiên trong quá trình đánh nhau.
Bên cạnh đó, cũng có 1 số luật lệ khác như chỉ được dùng tay không, cấm dùng gậy, cởi giày hoặc bất cứ đồ vật nào khác để làm vũ khí.
XEM THÊM: Xem Tiktok quá 180 phút: Có thật là Fidel Castro phát minh ra kỹ thuật Euro Step trong bóng rổ?