Trước đây, môn thể dục dụng cụ ở Olympic sử dụng hệ thống chấm điểm rất đơn giản. Mọi thứ đều xoay quanh việc thực hiện bài thi đấu, và mục tiêu của các vận động viên là mắc ít sai lầm nhất có thể với hy vọng đạt được điểm tuyệt đối (điểm 10).
Tuy nhiên, quy cách chấm điểm đã được thay đổi trước khi Olympic Bắc Kinh 2008 diễn ra. Thay vì chỉ dựa vào việc thực hiện bài thi, độ khó của bài thi cũng được tính đến. Từ đó, một công thức toán học đã được sinh ra nhằm xác định điểm tổng của các vận động viên thể dục dụng cụ tại Thế vận hội.
Về cơ bản, các vận động viên thể dục dụng cụ hiện nay sẽ được chấm điểm từ cả 2 yếu tố, độ hoàn hảo khi thực hiện bài thi và độ khó của bài thi. Nếu sử dụng những động tác và kỹ thuật có độ khó cao, mức điểm sàn để chấm cũng cao hơn.
Sporting News sẽ cung cấp thông tin cụ thể về cách chấm điểm của một trong những môn thể thao nhận được nhiều sự chú ý tại Olympic.
GIẢI THƯỞNG CỰC LỚN khi dự đoán kết quả trận đấu tại ĐÂY
Giải thích cách tính điểm môn thể dục dụng cụ ở Olympic Paris 2024
Điểm số môn thể dục dụng cụ tại Olympic gồm 2 yếu tố: Điểm thực hiện (điểm E - Execution) và điểm độ khó (điểm D - Difficulty).
Điểm thực hiện (điểm E)
Điểm thực hiện là yếu tố chấm điểm truyền thống mà những ai quan tâm môn thể dục dụng cụ đều rất quen thuộc. Mức tối đa là 10 điểm và được chấm dựa trên độ hoàn thiện mà vận động viên thực hiện cũng như tính nghệ thuật của bài tập.
Trước khi bắt đầu bài thi, mỗi vận động viên đều ở mức 10,0 điểm. Điểm E sẽ giảm dần nếu họ mắc lỗi trong quá trình thực hiện. Những lỗi này xuất phát từ sai sót khi thực hiện trên dụng cụ, có thể là ngã, tiếp đất sai hoặc duỗi chân không đúng.
Điểm E được tính bởi một nhóm với 6 vị giám khảo. Họ sẽ xem xét từng yếu tố trong quá trình thực hiện bài thi đấu của các vận động viên.
Điểm độ khó (điểm D)
Đúng với cái tên, điểm này được tính dựa trên độ khó của bài thi đấu mà vận động viên thực hiện. Khác với điểm thực hiện, điểm độ khó bắt đầu ở mức 0 điểm và tăng dần lên khi bài thi diễn ra.
Không có giá trị tối đa cho điểm D. Thông thường, điểm này sẽ nằm trong khoảng từ 5,0 đến 7,0.
Có 2 giám khảo được giao nhiệm vụ đánh giá điểm D. Để tính điểm, họ sẽ tổng hợp giá trị của những động tác khó nhất trong bài tập để đưa ra mức điểm độ khó cuối cùng.
Đối với vận động viên nữ, điểm D được tính dựa trên 8 yếu tố khó nhất của bài thi. Trong khi đó, bài thi của vận động viên nam được đánh giá dựa trên 10 yếu tố khó nhất.
Cách tính điểm tổng môn thể dục dụng cụ
Điểm tổng của một vận động viên thể dục dụng cụ được tính bằng cách cộng điểm E và điểm D lại với nhau. Sau đó, giám khảo sẽ lấy tổng đó trừ cho điểm bị phạt do mắc lỗi trung lập để ra được kết quả.
Một ví dụ về lỗi trung lập là bước chân ra khỏi giới hạn của sàn thi đấu. Lỗi này sẽ bị trừ 0,1 điểm.
Tóm lại, công thức chấm điểm thể dục dụng cụ là: Điểm tổng = (Điểm E + Điểm D) - Điểm phạt do lỗi trung lập
Với hệ thống tính điểm này, số điểm thường thấy của các vận động viên thể dục dụng cụ nằm trong khoảng 12 tới 16 điểm, trừ khi họ mắc những lỗi quá nghiêm trọng hoặc bị ngã trong quá trình thực hiện bài thi.
Ở mỗi loại dụng cụ thi đấu khác nhau, vận động viên sẽ nhận được những điểm số khác nhau. Kết quả từ mỗi nội dung sau đó được kết hợp để tạo ra điểm tổng hợp toàn diện cho vận động viên.
Cách tính điểm đồng đội trong môn thể dục dụng cụ
Một đội thi thể dục dụng cụ tại Olympic gồm 5 vận động viên. Tại vòng loại, các đội sẽ chọn ra 4 người thi đấu ở mỗi nội dung. 3 số điểm cao nhất của mỗi nội dung được cộng lại thành điểm số của đội.
Ở chung kết, mỗi đội tuyển chỉ có thể chọn ra 3 vận động viên ở mỗi nội dung thay vì 4 người. Điểm tổng mà 3 vận động viên này mang lại sẽ trở thành điểm của đội. Điều này tạo ra áp lực lớn hơn cho các vận động viên để nỗ lực đạt được điểm số tốt nhất.
Điểm số của các đội (cả nam và nữ) tại từng nội dung thường dao động từ 40 đến 45 điểm. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp đội không đạt được 40 điểm - thường là do 1 vận động viên mắc lỗi nghiêm trọng hoặc bị ngã khi thực hiện bài thi.
Có bao nhiêu nội dung thi đấu trong thể dục dụng cụ đồng đội nam?
Thể dục dụng cụ đồng đội nam có tổng cộng 6 nội dung thi đấu.
Dưới đây là 6 nội dung trong thể dục dụng cụ nam:
- Nhảy ngựa
- Bài tập sàn
- Xà đơn
- Xà kép
- Ngựa tay quay
- Vòng treo
Thông thường, các đội nam đạt điểm từ 240 đến 260 tại Olympic.
Có bao nhiêu nội dung thi đấu trong thể dục dụng cụ đồng đội nữ?
Thể dục dụng cụ đồng đội nữ có 4 nội dung thi đấu, ít hơn 2 nội dung so với của nam.
Dưới đây là 4 nội dung trong thể dục dụng cụ nữ:
- Nhảy ngựa
- Bài tập sàn
- Xà lệch
- Cầu thăng bằng
Thông thường, các đội nữ đạt điểm số từ 160 đến 180 tại Olympic.
XEM THÊM: Olympic có giới hạn độ tuổi vận động viên không? Ai là người trẻ giất giành HCV Thế vận hội?