Tại NBA, có không ít hình mẫu cầu thủ vĩ đại, thi đấu bền bỉ qua từng năm tháng và luôn tỏa sáng ở đỉnh cao như LeBron James. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được một thể chất như LeBron James.
Bên cạnh đó, chấn thương cũng là bóng ma ám ảnh với bất kì một vận động viên chuyên nghiệp nào. Những chấn thương dai dẳng, sai thời điểm có thể lấy đi quãng thời gian quý giá để phát triển, hay thậm chí hủy hoại cả một sự nghiệp thi đấu đỉnh cao.
Hãy cùng The Sporting News nhìn lại những trường hợp đáng tiếc nhất, bị chấn thương hành hạ tại đấu trường NBA.
XEM THÊM: Những ngôi sao NBA bị chấn thương hành hạ ở mùa giải 2022/2023
Yao Ming
Yao Ming là một trong những cầu thủ bóng rổ châu Á nổi tiếng nhất tại NBA. Được Houston Rockets lựa chọn ở vị trí đầu tiên tại NBA Draft 2002, cầu thủ người Trung Quốc đã nhận về rất nhiều nghi ngờ của giới chuyên môn và người hâm mộ.
Tuy nhiên, Yao Ming đã ngay lập tức dập tắt mọi ánh nhìn ngờ vực bằng một phong độ rực sáng. Sở hữu chiều cao 2m29 nhưng lại vô cùng linh hoạt, Yao Ming chính là nỗi ám ảnh của rất nhiều trung phong tại NBA. Thậm chí, anh từng thi đấu ngang ngửa với Shaquille O'Neal, một trong những cầu thủ được cho là có thể chất phi thường nhất trong lịch sử bóng rổ.
Thế nhưng, sự nghiệp của Yao Ming liên tiếp bị những chấn thương hành hạ. Năm 2005, Yao Ming đã đối mặt với căn bệnh viêm tủy xương ở chân trái. Tuy đã được phẫu thuật, nhưng cường độ vận động cao ở NBA liên tiếp khiến Yao Ming phải vắng mặt trong nhiều trận đấu suốt từ năm 2005 đến năm 2011.
Năm 2011, Yao Ming tuyên bố giải nghệ ở tuổi 31, với những tiết lộ buồn bã về hàng loạt chấn thương mà anh gặp phải trong sự nghiệp. Trong mùa giải đỉnh cao nhất, Yao Ming vẫn có trung bình 25 điểm mỗi trận dù phải nén đau thi đấu.
Brandon Roy
Với nhiều người hâm mộ, Brandon Roy có thể là một cái tên không quá nổi tiếng. Tuy nhiên, anh từng gồng gánh cả một Portland Trail Blazers trên vai trong giai đoạn 2007-2010 và từng được đánh giá có phẩm chất ngang ngửa Kobe Bryant nếu phát triển đúng cách.
Ngay năm đầu tiên thi đấu NBA, Brandon Roy mang về danh hiệu "Tân binh của năm 2007". Ba năm liên tiếp tham dự All-Star với điểm số trung bình 22 điểm mỗi trận, Brandon Roy đã sẵn sàng bước lên một đỉnh cao mới trong sự nghiệp.
Tuy nhiên, năm 2011 lần đầu chứng kiến Brandon Roy phải vật lộn vì chấn thương đầu gối. Cơn đau dai dẳng khiến anh không thể thi đấu với cường độ cao, dần lui về vai trò dự bị. Chỉ trong vòng 1 năm, Brandon Roy từ đỉnh cao tụt xuống hố sâu tuyệt vọng với đầu gối bị thoái hóa nặng nề và không thể thi đấu đỉnh cao.
Quá trình làm giàu tiểu cầu chỉ giúp Brandon Roy có thêm 5 trận đấu cho Minnesota Timberwolves vào cuối năm 2012, trước khi chính thức sụp đổ hoàn toàn. Brandon Roy nói lời giải nghệ khi chưa tròn 29 tuổi, kết thúc buồn bã cho một tài năng bị chấn thương hủy hoại cả sự nghiệp.
NBA LEAGUE PASS: Đăng ký ngay để theo dõi mọi trận đấu (Dùng thử 7 ngày MIỄN PHÍ)
Tracy McGrady
Trong thời kì đỉnh cao nhất, Tracy McGrady (hay còn được biết đến với cái tên T-Mac) chính là đối thủ không đội trời chung của Kobe Bryant. Thậm chí, T-Mac có phần nhỉnh hơn về một số phẩm chất so với cố huyền thoại của Los Angeles Lakers.
Trong giai đoạn khoác áo Orlando Magic, Tracy McGrady là một cỗ máy ghi điểm thượng thừa ở NBA. Năm 2004, T-Mac gia nhập Houston Rockets và sau đó cùng với Yao Ming trở thành một cặp đôi hậu vệ - trung phong cực kì đáng gờm ở khu vực miền Tây. Trong đó, trận đấu ghi 13 điểm chỉ trong 33 giây cuối cùng của T-Mac đã đi vào sử sách NBA.
Tuy nhiên, cũng giống như người đồng nghiệp Trung Quốc, Tracy McGrady liên tiếp dính phải những chấn thương ở những năm cuối thập niên 2000. T-Mac nhận đủ mọi cơn đau từ lưng, hông, đầu gối, khiến anh ngày càng thi đấu sa sút và bị Houston Rockets đẩy sang New York Knicks vào năm 2010.
Kể từ đó, Tracy McGrady chỉ còn là cái bóng của chính mình. Anh lang bạc thêm 3 đội bóng ở NBA trước khi phiêu dạt sang giải nhà nghề Trung Quốc, kết thúc một sự nghiệp đỉnh cao ngắn ngủi tại đấu trường NBA.
Greg Oden
Tại NBA Draft 2007, Portland Trail Blazers bỏ qua Kevin Durant để lựa chọn Greg Oden ở lượt pick đầu tiên. Là một trung phong cực kì khét tiếng ở cấp độ NCAA nhờ thể chất và bộ kĩ năng siêu việt, Greg Oden được kì vọng sẽ tiến xa ở đấu trường NBA.
Tuy nhiên, Greg Oden dính một chấn thương ở đầu gối ngay trong mùa giải tân binh. Phải mất hơn 1 năm, trung phong này mới có thể trở lại thi đấu, nhưng đó là một Greg Oden đã rệu rã với những cơn đau hành hạ trên đôi chân của mình.
Trong mùa giải thi đấu nhiều nhất, Greg Oden cũng chỉ thi đấu 61 trận với những đóng góp hạn chế. Anh liên tục vật lộn với chấn thương đầu gối, bàn chân, gãy xương bánh chè, viêm sụn khớp ... Sau 2 năm ngắn ngủi, Greg Oden chính thức biến mất khỏi đấu trường NBA, cũng như không thể thi đấu bóng rổ thêm một lần nào nữa.
Greg Oden là một trường hợp đáng tiếc nhất, bởi người hâm mộ chỉ có thể chứng kiến một Greg Oden tốt nhất khi còn thi đấu ở cấp độ đại học.
Derrick Rose
Với nhiều người hâm mộ, cái tên Derrick Rose sẽ để lại những sự tiếc nuối lớn nhất. Hậu vệ toàn năng này được Chicago Bulls lựa chọn ở Pick 1 của NBA Draft 2008 và chỉ 3 năm sau đó, Rose trở thành cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử NBA giành danh hiệu MVP khi mới 22 tuổi, 211 ngày.
Lối chơi dũng mãnh, những cú úp rổ đẹp mắt, khả năng thi đấu cực kì hiệu quả chính là những thứ đã làm nên thương hiệu của Derrick Rose. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 1 năm sau danh hiệu MVP, mọi thứ đã sụp đổ hoàn toàn.
Cú ngã xuống sân cùng tiếng thét đau đớn của Derrick Rose trong trận đấu với Philadelphia 76ers năm 2012 chính thức báo hiệu cơn ác mộng không hồi kết. Kể từ thời điểm đó, Derrick Rose phải làm bạn với giường bệnh nhiều hơn sân bóng. Chấn thương đã bào mòn cơ thể của Derrick Rose, khiến anh không thể trở lại phong độ đỉnh cao thêm một lần nào nữa.
Trong những năm sau này, Derrick Rose buộc phải thay đổi lối chơi, hạn chế những tình huống tận dụng tốc độ và thể chất. Tuy nhiên, đó không phải là ưu điểm của Derrick Rose. Anh chỉ phù hợp với vai trò dự bị và được nhớ đến như một sự tiếc nuối, khi tài năng phi thường đầu hàng bởi chấn thương quái ác.