NBA là giải đấu bóng rổ hấp dẫn nhất trên thế giới. 30 câu lạc bộ cùng tranh tài cho một mục tiêu duy nhất, đó là chức vô địch.
Để có thể đạt được mục tiêu kể trên, các đội bóng cần những cầu thủ trong đội hình, từ siêu sao cho đến những cái tên dự bị. Thứ ràng buộc đôi bên chính là những bản hợp đồng.
Hiện tại, NBA có gần 10 loại hợp đồng khác nhau dành cho các cầu thủ, với mức lương thay đổi cho từng vai trò thi đấu.
Hãy cùng The Sporting News tìm hiểu chi tiết về những bản hợp đồng tại đấu trường NBA.
XEM THÊM: Những cặp anh em cùng nhau tỏa sáng ở đấu trường NBA
Những bản hợp đồng tại NBA
Hợp đồng cầu thủ đồng nhất (Uniform Player Contract - UPC)
Đây là loại hợp đồng cơ bản nhất của NBA, dành cho những cầu thủ thường xuyên thi đấu cho đội 1. Đôi bên có thể thương lượng về một số điều khoản phụ như cấm trao đổi, tùy chọn đơn phương gia hạn 1 năm.
Mức lương tối thiểu của hợp đồng UPC dựa trên số năm thi đấu. Một cầu thủ có 5 năm kinh nghiệm được nhận tối thiểu 1,8 triệu USD mỗi mùa. Trong khi đó, mức lương tối đa sẽ được chia làm 2 dạng hợp đồng nhỏ hơn:
- Hợp đồng tối đa (Max Contract): Với những người chơi lâu năm, họ có thể chạm tay vào bản hợp đồng này. Một cầu thủ có 6 năm kinh nghiệm được phép nhận 25% quỹ lương của đội. Mức lương này sẽ tăng lên 30% cho những cầu thủ thi đấu từ 7 đến 9 năm. Nếu một cầu thủ có trên 10 năm kinh nghiệm, anh ta có thể nhận 35% quỹ lương của đội bóng.
- Hợp đồng siêu tối đa (Supermax Contract): Hợp đồng này xuất hiện từ năm 2017, với mục đích giữ chân những cầu thủ được đội bóng lựa chọn ở NBA Draft. Nếu đã thi đấu 7 năm kể từ mùa giải tân binh, cầu thủ có thể kí gia hạn với mức 35% quỹ lương ở năm đầu tiên. Số tiền cầu thủ nhận về được tăng 8% mỗi năm. Mức gia hạn hợp đồng từ 4 hoặc 5 năm, tùy vào điều kiện thi đấu.
Những bản hợp đồng tối đa và siêu tối đa chỉ được cung cấp cho những siêu sao hàng đầu và là trụ cột số một của đội bóng. Các câu lạc bộ sẽ phải tính toán kĩ lưỡng, nhằm chia đều quỹ lương cho các cầu thủ vệ tinh xoay quanh những ngôi sao mà họ sở hữu.
Hợp đồng tân binh (Rookie Scale Contract)
Những cầu thủ tham dự NBA từ kì tuyển chọn tân binh (NBA Draft) sẽ được cung cấp hợp đồng này. Mức lương mà họ nhận về sẽ phụ thuộc vào vị trí được lựa chọn. Cầu thủ Pick 1 sẽ nhận mức lương cao nhất và giảm dần cho những vị trí tiếp theo.
Các cầu thủ được lựa chọn ở Vòng 1 của NBA Draft sẽ được cung cấp 1 bản hợp đồng 4 năm đảm bảo. Mức lương cho từng vị trí từ 1 đến 30 được NBA quy định mỗi năm. Tại NBA Draft 2022, cầu thủ Pick 1 nhận về 10,1 triệu USD, trong khi năm 2021 chỉ là 8,4 triệu USD. Cầu thủ đứng ở vị trí thứ 30 được nhận từ 1,6 cho đến 2,1 triệu USD.
Các cầu thủ đến từ Vòng 2 sẽ phải chứng minh tài năng của mình với đội bóng chủ quản nhằm tìm kiếm một bản hợp đồng chính thức. Mức lương tối thiểu của các cầu thủ tân binh rơi vào khoảng 950.000 USD.
NBA LEAGUE PASS: Đăng ký ngay để theo dõi mọi trận đấu (Dùng thử 7 ngày MIỄN PHÍ)
Hợp đồng 2 chiều (Two-way Contract)
Đây là bản hợp đồng dành cho những cầu thủ vừa thi đấu cho đội 1 ở NBA, vừa thi đấu cho đội bóng trực thuộc tại G-League. Đây là những cầu thủ chưa đủ trình độ để thi đấu NBA, nhưng vẫn được trao cơ hội nếu chứng tỏ được bản thân.
Hợp đồng 2 chiều chỉ dành cho cầu thủ dưới 4 năm kinh nghiệm, với thời hạn không quá 2 năm một lần. Cầu thủ sẽ nhận lương 2 đầu, bao gồm 75.000 USD cho một mùa giải thi đấu G-League và theo trận nếu được gọi lên đội 1, rơi vào khoảng 18.000 USD mỗi trận.
Nếu đội bóng đăng kí cầu thủ quá 50 trận, họ sẽ phải trao cho anh ta một bản hợp đồng UPC với mức lương tối thiểu 900.000 USD.
Hợp đồng giải đấu mùa hè (Summer Contract)
Đây là hợp đồng ngắn hạn, thường được kí vào ngày 1/7 cho đến trước khi bắt đầu giai đoạn giao hữu của mùa giải. Các cầu thủ sẽ được nhận 2.000 USD mỗi tuần, thi đấu tại NBA Summer League (giải giao hữu dành cho những cầu thủ tự do, không thuộc biên chế bất kì câu lạc bộ nào).
Bản hợp đồng này không có điều khoản đảm bảo, nhưng là cơ hội để nhiều cầu thủ mang về một bản hợp đồng UPC với mức đãi ngộ lớn hơn.
Hợp đồng huấn luyện không bảo đảm (Non-Guaranteed Training Camp Contract)
Bản hợp đồng này cũng được chi trả 2.000 USD mỗi trận. Không như Summer Contract, bản hợp đồng này có thể được duy trì cho đến ngày đầu tiên của Regular Season. Nếu bị thanh lý, cầu thủ sẽ nhận được khoản bồi thường 6.000 USD.
Nếu thể hiện được bản thân và không bị thanh lý, cầu thủ sẽ được nhận về bản hợp đồng 2 chiều một cách tự động.
Hợp đồng tượng trưng (Exhibit 10 Contract)
Đây là bản hợp đồng khá hiếm gặp ở NBA, cho phép các cầu thủ có thể nhận lương tối thiểu ở NBA, nhưng lại không có bất kì sự đảm bảo nào. Điều này đồng nghĩa với việc nếu bị thanh lý, cầu thủ chỉ có thể nhận lương trong quãng thời gian hợp đồng này tồn tại.
Exhibit 10 Contract thường dành cho các cầu thủ trẻ ở lại phát triển với câu lạc bộ, thay vì đi sang các đội bóng khác.
Hợp đồng 10 ngày (10 Days Contract)
Đây là bản hợp đồng cứu cánh cho những đội bóng gặp khủng hoảng lực lượng. Họ có thể kí với một cầu thủ tự do trong 10 ngày, hoặc thi đấu tối đa 3 trận và sau đó kết thúc (tùy theo điều kiện nào đến trước).
Mức lương mà các cầu thủ nhận được tương đương với lương tối thiểu của một hợp đồng UPC, nhưng không có bất kì ràng buộc nào với câu lạc bộ chủ quản. Đôi bên chỉ có thể kí 10 Days Contract tối đa 2 lần trong một mùa giải. Nếu câu lạc bộ muốn giữ chân anh ta, họ sẽ phải đưa ra một bản hợp đồng UPC.
Hợp đồng trên 38 tuổi (Over 38 Contract)
Đây là bản hợp đồng dành cho những cầu thủ trên 38 tuổi, hoặc sẽ bước vào tuổi 38 trong quãng thời gian thực hiện hợp đồng.
Về cơ bản, đây là một bản hợp đồng UPC, nhưng tiền lương của năm cuối cùng sẽ được chia đều cho các năm trước. Điều này giúp các đội bóng có thêm quỹ lương vào năm cuối, trong trường hợp cầu thủ đó không thể đáp ứng chuyên môn do tuổi tác hoặc tính chuyện giải nghệ.