Vì sao các thương hiệu Trung Quốc thống trị danh sách tài trợ ở Euro 2024?

Nguyen Huu Quang Nhat

Vì sao các thương hiệu Trung Quốc thống trị danh sách tài trợ ở Euro 2024? image

Khán giả theo dõi các trận đấu tại Euro 2024 hẳn sẽ để ý đến sự xuất hiện hàng loạt của logo các nhà tài trợ Trung Quốc, áp đảo hoàn toàn so với các nước khác.

Cùng Sporting News tìm hiểu nguyên nhân đằng sau việc này.

Danh sách đối tác tài trợ chính thức tại Euro 2024

Dù Euro là giải đấu quy tụ các đội tuyển hàng đầu châu Âu, nhưng khá bất ngờ nếu biết rằng, có đến 5/13 đối tác tài trợ chính thức của giải lại đến từ Trung Quốc. Những nhà tài trợ này lần lượt là BYD, Alipay+, Ali Express, Hisense và Vivo.

Danh sách các đối tác tài trợ chính thức của Euro 2024

Trung Quốc

  • Nhà sản xuất ô tô điện BYD
  • Nền tảng thanh toán Alipay+
  • Tập đoàn thương mại điện tử Ali Express
  • Tập đoàn điện tử Hisense
  • Hãng điện thoại di động Vivo

Đức

  • Hãng thời trang thể thao Adidas
  • Chuỗi cửa hàng thực phẩm giá rẻ Lidl
  • Công ty trang phục lao động Engelbert Strauss

Khác

  • Dịch vụ Công nghệ Thông tin Atos (Pháp)
  • Công ty thể thao Betano (Malta)
  • Cổng thông tin du lịch Booking.com (Hà Lan)
  • Hãng nước giải khát Coca-Cola Zero (Mỹ)
  • Cơ quan Du lịch Visit Qatar (Qatar)
 Kai Havertz Germany 062224
getty images

Vì sao các thương hiệu Trung Quốc thống trị danh sách tài trợ ở Euro 2024?

Việc các công ty Trung Quốc quảng cáo tại những sự kiện thể thao quốc tế không phải là điều mới mẻ. Họ đã từng hợp tác để quảng cáo tại Champions League và Thế vận hội Olympic. Nhưng những thương hiệu từ đất nước tỉ dân này mong đợi gì từ việc quảng cáo tại Euro?

Có ba lý do chính giải thích cho điều này:

Các công ty Trung Quốc muốn chinh phục thị trường châu Âu

Các thương hiệu Trung Quốc muốn xây dựng thương hiệu tại châu Âu, từ đó vươn ra thị trường thế giới. Ví dụ như hãng xe điện BYD (Build Your Dreams), họ phát triển chóng mặt ở thị trường nội địa với hơn 3 triệu xe bán ra vào năm ngoái - 90% trong số đó ở Trung Quốc. Khi đó, BYD chắc chắn sẽ muốn mở rộng sang thị trường châu Âu - một khu vực tiềm năng.

Theo báo cáo của UEFA, Giám đốc điều hành của BYD khu vực châu Âu - ông Michael Shu - cho biết họ muốn thu hút khách hàng châu Âu với các mẫu xe điện giá thành phải chăng, từ đó giúp hãng xe được biết đến nhiều hơn.

BYD đã nhanh chân thay thế Volkswagen, sau khi hãng ô tô Đức quyết định không gia hạn quan hệ đối tác với UEFA. "Điều này xảy ra trong bối cảnh chúng tôi triển khai chương trình cắt giảm chi phí ở mọi cấp độ, với mục tiêu đảm bảo khả năng tồn tại của Volkswagen," Gerd Voss, trưởng phòng truyền thông thể thao tại Volkswagen, cho biết với tờ Berliner Zeitung.

THAM GIA ĐẠI TIỆC EURO NGAY TẠI ĐÂY

Marton Dardai Hungary and Florian Wirtz Germany 062224
getty images

Mặt khác, chúng ta cũng phải nhắc đến Alibaba - tập đoàn sở hữu nền tảng thương mại điện tử Ali Express và hệ thống thanh toán trực tuyến Alipay+. Đặc biệt, ứng dụng Alipay+ được sử dụng bởi gần 900 triệu người ở Trung Quốc, với nhiều tiện ích như ngân hàng trực tuyến, mua sắm hoặc đặt taxi.

Tuy vậy, khi tiếp cận thị trường lục địa già, Alibaba vấp phải nhiều khó khăn. Người dùng châu Âu thường cho rằng tất cả hoạt động thanh toán thông qua các nhà cung cấp dịch vụ Trung Quốc - đặc biệt là một tập đoàn lớn như Alibaba - đều sẽ bị nhà nước Trung Quốc giám sát.

Quan hệ đối tác với UEFA sẽ giúp quan điểm của người châu Âu về việc này trở nên tích cực hơn. "Nhiều người châu Âu không có ấn tượng tốt với Trung Quốc, thậm chí đôi khi rất tiêu cực," chuyên gia tiếp thị Simon Chadwick cho biết. "Nhưng với tư cách là nhà tài trợ của Euro 2024, các công ty Trung Quốc như Alibaba có thể giới thiệu mình là những đối tác có trách nhiệm và đáng tin cậy."

Trung Quốc muốn thể hiện sức mạnh địa chính trị

Là Giáo sư Kinh tế Thể thao và Địa chính trị tại Trường Kinh doanh tư thục Skema (một ngôi trường nổi tiếng toàn cầu về lĩnh vực kinh tế), Chadwick nhận định việc nhiều thương hiệu Trung Quốc quảng bá tại Euro 2024 còn có yếu tố về địa chính trị đằng sau đó.

Chadwick cho biết, bằng việc phủ sóng tràn ngập tại Euro, Trung Quốc như muốn nói với cả thế giới rằng: “chúng tôi có sức mạnh kinh tế, có các mối quan hệ, mạng lưới rộng khắp, có đủ sự tự tin để mang tới những hợp đồng khổng lồ như vậy.” Việc Trung Quốc muốn thể hiện sức mạnh chính trị ngay tại lục địa già cũng được người dân tại quê nhà đánh giá cao.

THAM GIA ĐẠI TIỆC EURO NGAY TẠI ĐÂY

Player of the Match Euro 2024 062224
getty images

Thu hút người hâm mộ tại chính Trung Quốc

Dù không sở hữu một đội tuyển bóng đá mạnh, nhưng không thể phủ nhận, tình yêu của người dân Trung Quốc dành cho trái bóng tròn là hết sức cuồng nhiệt. Từ khi Euro 2024 khởi tranh, số lượng người xem trên đài CCTV5 - Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc - đã tăng đáng kể. Trong trận đấu mở màn giữa Đức và Scotland, thị phần của đài đã tăng 46% so với ngày trước đó.

"Các nhà tài trợ đang cố gắng thu hút người hâm mộ bóng đá tại Trung Quốc," Chadwick cho biết. Những thương hiệu này thể hiện sự mở rộng và sức ảnh hưởng ra ngoài biên giới, đồng thời tăng độ uy tín khi hợp tác với một giải đấu tầm cỡ thế giới như Euro.

Lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ rất hài lòng về số lượng lớn các nhà tài trợ Trung Quốc tại Euro 2024. Bản thân ông Tập Cận Bình là một người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt và muốn thấy Trung Quốc tham gia vào một kỳ World Cup trong tương lai (lần gần nhất Trung Quốc có mặt tại World Cup đã từ năm 2002).

Có thể thấy, nguời Trung Quốc vẫn dành sự quan tâm đến bóng đá và đặc biệt là các giải đấu quốc tế. Vì vậy, một trận đấu như giữa Đức và Hungary sẽ thu hút hàng triệu người khán giả Trung Quốc theo dõi, mang đến hiệu quả quảng cáo cao cho các thương hiệu.

Lược dịch từ bài viết trên ZDFheute

XEM THÊM: Lịch thi đấu Euro 2024 theo giờ Việt Nam: Lịch trực tiếp Euro 2024 VTV

Nguyen Huu Quang Nhat

Nguyen Huu Quang Nhat Photo

Quang Nhat is a content creator from Vietnam. He has passion with soccer and tennis, and is a strong supporter of Tottenham Hotspur and Rafael Nadal.