Từ năm 2008, việc sử dụng cầu thủ nhập tịch đã không còn xa lạ với bóng đá Việt Nam. Từ Phan Văn Santos, Đinh Hoàng La cho đến Huỳnh Kesley, các cầu thủ có ngoại hình và thể chất Châu Âu đều có cơ hội khoác lên mình màu áo tuyển. Tuy nhiên, cuối cùng, họ không thể giữ suất đá chính lâu dài.
Những đời huấn luyện viên đội tuyển quốc gia về sau đều không có xu hướng sử dụng nhiều cầu thủ nhập tịch. Về cầu thủ mang dòng màu Việt Nam (hay còn gọi là Việt kiều) cũng khá tương tự. Từ năm 2012 đến nay, không có gương mặt Việt Kiều nào để lại dấu ấn đậm nét, ngoại trừ Đặng Văn Lâm. Đây là một dấu hỏi lớn cho nền bóng đá Việt, đặc biệt khi những quốc gia Đông Nam Á khác như Philippines, Malaysia hay Indonesia đều rất chuộng sử dụng cầu thủ nhập tịch hoặc mang 2 dòng máu.
Vì sao Việt Nam không sử dụng cầu thủ nhập tịch?
Về vấn đề này, ông Trần Quốc Tuấn, chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là phải xây dựng một đội tuyển quốc gia có bản sắc, các cầu thủ phải đáp ứng được những nhu cầu về chuyên môn. Câu chuyện bản sắc bao gồm rất nhiều vấn đề như văn hóa, ngôn ngữ và nhiều yếu tố khác.”
Ông Tuấn tiếp tục bằng trường hợp của thủ thành Đặng Văn Lâm: “Văn Lâm đã lên đội tuyển U19 Việt Nam dự giải Đông Nam Á từ năm 2011. Cậu ấy là người Việt, hộ chiếu của cậu ấy ghi Việt Nam, cậu ấy nói tiếng Việt. Mọi thứ Lâm thể hiện ra đều là người Việt. Bản sắc chính là chỗ ấy.”
Về vấn đề này, Ông Park Hang Seo, huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam lên tiếng: "Bóng đá là môn thể thao tập thể, nên khi đưa cầu thủ nhập tịch về đội tuyển thì chúng ta phải xem thử cầu thủ này có hòa nhập được về văn hóa của Việt Nam hay không. Chính vì vậy, chúng ta phải cân nhắc rất kỹ.”
Như vậy có thể thấy vấn đề là ở chỗ bản sắc Việt Nam, chứ không phải là nhập tịch hay Việt kiều. Những rào cản về văn hóa, giao tiếp đã hạn chế nhiều khả năng của cầu thủ nhập tịch/Việt Kiều khi lên tuyển thi đấu.
XEM THÊM: Đội tuyển già nhất AFF Cup 2022: Tuổi trung bình của 10 đội dự giải
Bên cạnh đó, những chính sách quốc tịch có phần ảnh hưởng đến cầu thủ nhập tịch/Việt kiều. Theo đó, việc nhập tịch cho một cầu thủ đang thi đấu tại nước ngoài phải đáp ứng nhiều điều kiện và khá phức tạp vì họ không thường trú tại Việt Nam. Nếu không “lách” qua đường hôn nhân, cầu thủ ngoại cần tối thiểu 5 năm lao động tại Việt Nam mới có thể được quyền nhập tịch. Đối với nhiều người, khoảng thời gian đó đã lấy đi khả năng chơi bóng đỉnh cao của họ.
Khi thi đấu cho tuyển Việt Nam, Phan Văn Santos đã không còn giữ được phong độ, thường mắc sai lầm sơ đẳng. Huỳnh Kesley không còn mạnh mẽ, dù anh có tư duy chơi bóng khéo léo và tinh quái. Một số cầu thủ khác như Hoàng Vũ Samson hay Đỗ Merlo cũng không còn có thể duy trì phong độ trong màu áo câu lạc bộ.
Ngoài ra cũng phải thấy rằng, dù sở hữu nhiều cầu thủ nhập tịch nhưng những quốc gia như Malaysia, Philippines hay Indonesia chưa gặt hái thành tựu nào đáng kể trong những năm gần đây. Điều đó khiến một đất nước yêu bóng đá, giàu lòng tự tôn dân tộc như Việt Nam phải cân nhắc, xem xét rất kỹ trước khi để cầu thủ ngoại khoác lên mình tấm áo tuyển.
Những cầu thủ gốc Việt đáng chú ý
Hiện nay, có không ít cầu thủ Việt kiều chất lượng đang thi đấu trong nước và quốc tế.
Đầu tiên là trường hợp của Alexander Đặng. Trong cơn khát những chân dứt điểm đẳng cấp, đích thân huấn luyện viên Park Hang Seo đã sang Na Uy để xem giò cầu thủ này. Khi còn thi đấu tại giải hạng 2 Na Uy, anh từng giành danh hiệu vua phá lưới với 21 bàn thắng. Alexander có thể sắp đầu quân cho câu lạc bộ Nam Định, chiếm suất Việt kiều của đội bóng này trong mùa giải tới.
Một gương mặt đáng chú ý khác là Adriano Schmidt, tên tiếng Việt là Bùi Đức Duy. Trung vệ mang 2 dòng máu Việt-Đức sinh năm 1994 đang chơi trong màu áo Topenland Bình Định, và được đánh giá là một trong những cầu thủ phòng ngự tốt nhất V-League. Cầu thủ này từng gây chú ý khi xuất hiện trong danh sách thi đấu của đội tuyển Việt Nam trong hai trận cuối vòng loại World Cup 2022.
Một gương mặt gốc Việt khác có cơ hội lên tuyển là Filip Nguyễn. Thủ thành này sở hữu thể chất vượt trội, lên đến 1m90, và từng có quãng thời gian rất thành công trong màu áo CLB Slovan Liberec ở giải ngoại hạng CH Czech.
XEM THÊM: Danh sách các đội tuyển dự AFF Cup 2022: Thái Lan | Philippines | Indonesia | Campuchia | Brunei | Việt Nam | Malaysia | Singapore | Lào | Myanmar
Với 440 phút giữ sạch lưới, Filip đã nhận được danh hiệu “thủ môn xuất sắc nhất” ở mùa bóng 2018 - 2019. Đáng chú ý, thủ thành này từng chơi bóng tại Europa League, giúp đội bóng Slovan Liberec giành chiến thắng tối thiểu 1-0 trước Gent. Ông Nguyễn Minh, bố của Filip cho biết anh luôn muốn thi đấu cho quê cha, dù ở lại Châu Âu sẽ tốt hơn cho sự nghiệp chơi bóng.
Ngoài ra, danh sách cầu thủ Việt kiều còn trải dài với những cái tên như Jason Quang Vinh Pendant, Michael Nguyễn,... Tất cả đều là những lựa chọn đáng cân nhắc cho đội tuyển Việt Nam trong những chiến dịch sắp tới.