Các đội bóng Anh đang phải chịu áp lực lớn từ PSR, nhưng dường như họ luôn tìm được lỗ hổng của điều luật này.
PSR là gì?
PSR là viết tắt của cụm từ “Profit and Sustainability Rules”, tạm dịch là “Quy định về lợi nhuận và sự bền vững”.
Đây là quy định được giới thiệu từ năm 2013 ở Ngoại hạng Anh với mục đích ngăn chặn các đội bóng chi tiêu một cách “mất kiểm soát”, điều có thể dẫn tới sụp đổ về tài chính trong tương lai. Theo quy định PSR, mỗi đội bóng chỉ được phép lỗ tối đa 105 triệu bảng trong vòng 3 năm liên tiếp, trung bình 35 triệu bảng mỗi năm.
Những đội bóng vi phạm sẽ bị phạt nặng bằng cách trừ điểm, cụ thể là với trường hợp của Everton hay Nottingham Forest bị trừ điểm ở mùa giải Ngoại hạng Anh 2023/24.
Vì năm tài chính bắt đầu từ 01/07 tới 30/06 năm kế tiếp, nên thời điểm 30/06 hàng năm với các đội bóng Anh là cực kỳ quan trọng bởi họ phải “chốt sổ” thu chi làm sao đảm bảo quy định PSR. Nếu đội bóng đang bị lỗ nặng, họ cần phải bán đi nhiều cầu thủ có giá trị trước thời điểm 30/06 để tăng phần doanh thu trong bảng cân đối tài chính.
Đó chính là những gì đã xảy ra với Chelsea ở mùa hè năm 2023. Đội bóng này thu về hơn 200 triệu bảng bằng việc bán Kai Havertz, Mason Mount, Edouard Mendy, Ruben Loftus-Cheek, Hakim Zyech và Kalidou Koulibaly trước thời điểm 30/06/2023. Một trong những tân binh đắt giá của họ là Christopher Nkunku được công bố vào ngày 20/06 nhưng chờ tới 01/07 mới đăng ký để phần chi phí này tính vào năm tài chính 2023/24, không phải 2022/23.
Ở mùa hè 2024, Aston Villa là 1 trong những cái tên “nóng” liên quan đến PSR. Đội bóng này đã “vung tay quá trán” trong 3 mùa vừa qua và chịu lỗ nhiều xét về chuyển nhượng cầu thủ: Pau Torres 35 triệu bảng, Moussa Diaby 50 triệu bảng, Leon Bailey 30 triệu bảng, Emiliano Buendia 33 triệu bảng, Diego Carlos 25 triệu bảng… Những cầu thủ này đóng vai trò quan trọng trong thành tích giành vé dự Champions League của Aston Villa, nhưng trớ trêu thay trước khi thi đấu ở đấu trường đỉnh cao này họ sẽ phải bán bớt cầu thủ để tránh bị phạt.
Ước tính, Aston Villa cần thêm 58 triệu bảng từ tiền bán cầu thủ trước ngày 30/06/2024 để không bị phạt. Đây chính là lý do chính khiến thương vụ Douglas Luiz tới Juventus (25 triệu bảng + cầu thủ) được xúc tiến nhanh chóng. Tuy nhiên, có một lỗ hổng tài chính mà Aston Villa và nhiều đội bóng đang khai thác để đáp ứng quy định PSR.
Lỗ hổng tài chính từ thị trường “chuyển nhượng PSR”
Trên thị trường chuyển nhượng, khi bán cầu thủ, toàn bộ số tiền sẽ được tính vào doanh thu câu lạc bộ ngay lập tức. Nhưng khi mua cầu thủ, phí chuyển nhượng được trải đều vào chi phí qua toàn bộ thời gian hợp đồng chứ không được ghi nhận toàn bộ 1 lần.
Lấy ví dụ về 2 vụ chuyển nhượng Ian Maatsen từ Chelsea tới Aston Villa và Omari Kellyman từ Aston Villa tới Chelsea. Cả 2 đều là những cầu thủ trẻ thuộc dạng tự đào tạo (academy player).
Ian Maatsen từ Chelsea tới Aston Villa với giá 37,5 triệu bảng, thời hạn hợp đồng 5 năm. Toàn bộ số tiền này sẽ được tính vào lợi nhuận của phía bán là Chelsea, trong khi bên mua chỉ phải ghi nhận 1/5, tương đương 7,5 triệu bảng vào chi phí của năm tài chính hiện tại.
Omari Kellyman từ Aston Villa với giá 19 triệu bảng, thời hạn hợp đồng 6 năm. Tương tự toàn bộ số tiền này sẽ được tính vào lợi nhuận của phía bán là Aston Villa, trong khi bên mua chỉ phải ghi nhận 1/6, tương đương 3,16 triệu bảng vào chi phí của năm tài chính hiện tại.
Sau vụ đổi người này, Chelsea lãi 34,34 triệu bảng (37,5 thu về trừ đi 3,16 chi phí) và Aston Villa lãi 11,5 triệu bảng (19 thu về trừ đi 7,5 chi phí).
Ian Maatsen ít nhiều đã khẳng định được giá trị sau mùa giải cực kỳ thành công ở Dortmund. Nhưng Kellyman lại là cái tên gây nghi ngờ khi tiền vệ 18 tuổi này mới đá 2 trận, tổng cộng chưa đầy 45 phút ở Ngoại hạng Anh. Theo chuyên trang chuyển nhượng Transfermarkt, Kellyman có giá trị 850.000 bảng.
— Fabrizio Romano (@FabrizioRomano) June 25, 2024
Vậy tại sao Chelsea lại bỏ ra tới 19 triệu bảng cho 1 cầu thủ như vậy? Phải chăng Chelsea, tương tự như Aston Villa và các đội bóng khác, đang dùng chiêu trò “thổi giá” các cầu thủ trẻ lên và mua bán qua lại lẫn nhau để cùng tăng phần doanh thu ghi nhận trong báo cáo tài chính trước ngày 30/06?
Điều này càng dễ thực hiện hơn ở những cầu thủ trẻ, bởi giá trị chuyển nhượng của họ nhiều khi phụ thuộc vào kỳ vọng trong tương lai chứ không phải những gì thể hiện ở hiện tại. Không ai có thể nói chính xác Kellyman sẽ trở thành 1 cầu thủ trị giá 50 triệu bảng hay 5 triệu bảng trong vòng 3-4 năm nữa nhưng chắc chắn ở hiện tại, việc chuyển nhượng Kellyman và Maatsen với giá càng cao sẽ giúp cho Chelsea và Aston Villa rất nhiều trong việc đáp ứng quy định PSR.
Không chỉ với Chelsea, Aston Villa cũng làm việc tích cực với Everton với chiến lược tương tự. Aston Villa mua tiền đạo Lewis Dobbin, 21 tuổi (giá Transfermarkt 2,5 triệu bảng) từ Everton với giá 9 triệu bảng. Ngược lại Everton mua tiền vệ Tim Iroegbunam, 20 tuổi (giá Transfermarkt 4 triệu bảng) từ Aston Villa với giá 10 triệu bảng. Cả 2 đều là những cầu thủ người Anh. Báo cáo tài chính của mỗi đội sẽ có thêm vài triệu bảng lãi ghi nhận sau thương vụ này.
Nói tóm lại, “chuyển nhượng PSR” có lợi lớn cho các đội bóng đang có tài chính khó khăn vì:
- Dễ thực hiện
- Không vi phạm luật
- Không cần phải bán đi những cầu thủ ngôi sao
Tuy nhiên, với những nhà quản lý bóng đá, họ chắc chắn không thể ngồi yên với kiểu lách luật này bởi nó khiến cho áp dụng PSR trở nên vô nghĩa.
Các đội bóng giàu có vẫn thoải mái mua sắm cầu thủ không quan tâm tới lỗ lãi, chỉ cần tìm 1 vài đối tác khác mua bán qua lại trước thời điểm 30/06 hàng năm để làm đẹp báo cáo tài chính. Không sớm thì muộn, các nhà quản lý sẽ có động thái để ngăn chặn tình trạng này, nhưng ai đảm bảo được lúc đó sẽ lại có một chiêu lách luật mới sinh ra.
XEM THÊM: Ngoại hạng Anh đối mặt nguy cơ giảm xuống 18 đội vì thay đổi của FIFA