Thị trường chuyển nhượng mùa hè 2024 đã mở cửa vào giữa tháng 06/2024. Dù Euro 2024 hay Copa America 2024 chưa kết thúc, một số câu lạc bộ ở giải đấu cao nhất xứ sương mù đã và đang hoạt động hết sức tích cực. Trong đó, có rất nhiều thương vụ diễn ra theo kiểu "2 chiều".
Một trong số những ví dụ là trường hợp giữa Everton và Aston Villa. Tiền vệ Tim Iroegbunam chính thức gia nhập Everton với mức giá 9 triệu bảng Anh vào ngày 22/06. Ở chiều ngược lại, Aston Villa chiêu mộ chân chạy cánh Lewis Dobbin của Everton với 10 triệu bảng.
Cùng lúc đó, Chelsea hoàn thành việc ký kết hợp đồng với tài năng trẻ 18 tuổi, Omari Kellyman từ lò đào tạo Aston Villa với giá 19 triệu bảng. Trước đó vài ngày, Ian Maatsen sau mùa giải thành công với Dortmund, đã được Chelsea bán cho đội chủ sân Villa Park với giá khoảng 35 triệu bảng.
Một vài thương vụ khác đang nằm ở dạng tin đồn, ví dụ, Newcastle United quan tâm đến Dominic Calvert-Lewin, trong khi Everton bày tỏ mong muốn có được tài năng trẻ Yankuba Minteh theo chiều ngược lại.
Cách các câu lạc bộ Ngoại hạng Anh lách luật PSR
Nhìn qua, đây chỉ là những vụ mua bán cầu thủ bình thường giữa các đội bóng. Tuy nhiên, thực chất, các câu lạc bộ kể trên đang tìm cách tránh vi phạm “Profit and Sustainability Rules” (PSR) - tạm dịch là “Quy định về lợi nhuận và sự bền vững”.
Cụ thể, những thương vụ này sẽ giúp các câu lạc bộ "làm đẹp" sổ sách ngay trước khi năm tài chính khép lại vào ngày 30/06.
Lấy ví dụ về 2 vụ chuyển nhượng Ian Maatsen từ Chelsea tới Aston Villa và Omari Kellyman từ Aston Villa tới Chelsea. Cả 2 đều là những cầu thủ trẻ thuộc dạng tự đào tạo (academy player).
Ian Maatsen từ Chelsea tới Aston Villa với giá 37,5 triệu bảng, thời hạn hợp đồng 5 năm. Toàn bộ số tiền này sẽ được tính vào lợi nhuận của phía bán là Chelsea, trong khi bên mua chỉ phải ghi nhận 1/5, tương đương 7,5 triệu bảng vào chi phí của năm tài chính hiện tại.
Omari Kellyman từ Aston Villa với giá 19 triệu bảng, thời hạn hợp đồng 6 năm. Tương tự toàn bộ số tiền này sẽ được tính vào lợi nhuận của phía bán là Aston Villa, trong khi bên mua chỉ phải ghi nhận 1/6, tương đương 3,16 triệu bảng vào chi phí của năm tài chính hiện tại.
Sau vụ đổi người này, Chelsea lãi 34,34 triệu bảng (37,5 thu về trừ đi 3,16 chi phí) và Aston Villa lãi 11,5 triệu bảng (19 thu về trừ đi 7,5 chi phí).
Khi bán các cầu thủ từ học viện, số tiền thu được sẽ không bị trừ đi bất kỳ chi phí khấu hao nào và được xem là lợi nhuận ròng. Do đó, các đội bóng tại Ngoại hạng Anh dường như đang ra sức mang đến những thỏa thuận phù hợp, tránh những án phạt do vi phạm PSR trong tương lai.
Ngoại hạng Anh sẽ điều tra các trường hợp lách luật PSR
Tuy nhiên, thông tin từ Mail Sport cho biết, Ngoại hạng Anh có quyền điều tra các thương vụ chuyển nhượng này mang mục đích chuyên môn hay gì khác. Nếu bị phát hiện có hành động lách luật để "làm đẹp" sổ sách, các đội bóng sẽ phải chịu những án phạt nghiêm khắc từ phía giải đấu.
Đáng chú ý, các vụ chuyển nhượng được thực hiện cho đến nay đều không vi phạm bất kỳ quy tắc bằng văn bản nào của Ngoại hạng Anh. Dù một số nhận định cho rằng, dấu hiệu lách luật là khá rõ ràng, nhưng Ngoại hạng Anh vẫn chưa thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.
Một số đội bóng tại Ngoại hạng Anh được cho là đã quá mệt mỏi với những quy định tài chính khắt khe của giải đấu. Họ cho rằng những quy định này đã lỗi thời và không còn phù hợp với tình hình thực tế.
Nhiều đội bóng đã phải bán đi những cầu thủ trẻ tốt nhất từ học viện chỉ để tuân thủ các quy tắc của PSR, khiến nhiều người cho rằng Ngoại hạng Anh cần phải có những thay đổi trong thời gian tới.
Lược dịch từ bài viết của DailyMail.
XEM THÊM: PSR là gì? Các đội bóng Anh đang lách luật "Quy định Lợi nhuận và Bền vững" như thế nào?