Tổng quan áo đấu Ngoại hạng Anh 2023/24: Adidas mất thế thống trị, MU và Arsenal gây thất vọng

Chuyện áo đấu

Tổng quan áo đấu Ngoại hạng Anh 2023/24: Adidas mất thế thống trị, MU và Arsenal gây thất vọng image

Tháng 8 hàng năm là thời gian cổ động viên trên toàn thế giới mong ngóng sự trở lại của bóng đá châu Âu và đặc biệt là Ngoại hạng Anh. Những màn trình diễn hấp dẫn, những ngôi sao hàng đầu thế giới và cả thiết kế áo đấu từ các câu lạc bộ hàng đầu sẽ hiện diện trên sân cỏ.

Trong suốt mùa hè 2023, 20 câu lạc bộ Ngoại hạng Anh bắt tay cùng 8 nhà sản xuất trang phục khác nhau để ra mắt những “bộ cánh” mới, tạo nên diện mạo đầy hứng khởi cho mùa giải 2023/24. 

Hãy cùng The Sporting News và Chuyện Áo Đấu khám phá bức tranh áo đấu Ngoại hạng Anh 2023/24 muôn màu muôn vẻ cùng những thiết kế định hình mùa giải tới.

Adidas không còn thống trị ở Ngoại hạng Anh

Ở sân chơi của các thương hiệu thể thao, thế dẫn đầu bất ngờ vụt khỏi tay gã khổng lồ Adidas và thuộc về Umbro.

Như vậy, sau hơn một thập kỉ, thương hiệu nước Anh mới tìm lại sự thống trị tại giải đấu quê nhà kể từ mùa giải 2012/13. Sự trở lại này có đóng góp to lớn của 2 tân binh Burnley và Luton Town, chiếm gần một nửa số đại diện của hãng (tổng 5 đội bóng). 

Đó là câu chuyện về số lượng, còn về chất lượng và độ thành công thì khó ai vượt qua nhà “Báo” PUMA cùng Man City. Trong những năm vừa qua, nửa Xanh thành Manchester đã vô địch giải đấu ba lần liên tiếp và PUMA luôn hiện diện xuyên suốt hành trình ấy - điển hình của câu nói “dù ít, nhưng chất”.

Giải đấu năm nay cũng chỉ chứng kiến một câu lạc bộ thay đổi thương hiệu áo đấu, đó là trường hợp của đội bóng vùng Đông Midlands, Nottingham Forest. Họ chia tay Macron để về với Adidas, khép lại 5 năm đồng hành cùng thương hiệu nước Ý trên hành trình đáng nhớ từ giải hạng Nhất đến Ngoại hạng.

Nhà cái vẫn là nguồn tài trợ khổng lồ ở Ngoại hạng Anh

Không chỉ nhà sản xuất trang phục, những thương hiệu tài trợ trước ngực cũng là một phần không thể thiếu trên mỗi chiếc áo đấu. Trên phương diện thẩm mỹ, nhà tài trợ ngực áo được ví như “con dao hai lưỡi”: Đôi khi giúp nâng tầm thiết kế, nhưng trong nhiều trường hợp, có thể phá hỏng một mẫu áo đẹp.

Ở thời điểm hiện tại, vẫn còn ba câu lạc bộ là Chelsea, Nottingham và Sheffield United chưa có nhà tài trợ chính trên ngực áo. Không tính ba câu lạc bộ nói trên, 7 đội bóng trong số 17 đội còn lại (chiếm hơn 40%) có nhà tài trợ trước ngực áo là công ty cá cược và dịch vụ đánh bạc trực tuyến.

AVFC

Tỉ lệ này không duy trì lâu và các câu lạc bộ sẽ phải tìm những thương hiệu khác. Lý do là bởi, kể từ mùa giải 2026/27, Ngoại hạng Anh cấm nhà cái tài trợ ngực áo. Quy định này đã đưa ra một thời gian và nhận được sự đồng thuận của tất cả đội bóng.

Đưa ra dự đoán về kết quả trận đấu tại ĐÂY

Ngoại hạng Anh 2023/24 sở hữu bộ phông chữ và số áo mới

Một điều thú vị nữa tại Ngoại hạng Anh 2023/24 là bộ phông và patch tay áo mới, lần đổi phông thứ tư trong lịch sử giải đấu.

Quay ngược thời gian khi giải đấu đi vào hoạt động ở mùa 1992/93, ban tổ chức không yêu cầu quá khắt khe về chữ và số áo, các đội thậm chí chỉ cần in số ở sau lưng áo để nhận biết cầu thủ. Từ năm 1993 cho đến năm 1997, giải đấu mới bắt buộc câu lạc bộ phải in tên cầu thủ sau lưng áo. Tuy nhiên, thời điểm này vẫn chưa có bộ font chính thức nên các đội vẫn sử dụng nhiều mẫu phông khác nhau tuỳ thuộc vào nhà cung cấp áo đấu.

Bộ phông đầu tiên mang thương hiệu giải đấu xuất hiện lần đầu vào năm 1997. Từ đó theo chu kỳ 10 năm, giải đấu sẽ tiến hành thay đổi nhận diện (2007 và 2017).

Lần này, thay đổi diễn ra chỉ sau 6 năm sau, phá vỡ chu kì cũ và chúng ta sẽ không thể đoán được lần đổi phông tiếp theo đến vào lúc nào.

XEM THÊM: Lịch sử phông chữ và số áo Ngoại hạng Anh: Diện mạo mới của MU, Liverpool và Arsenal

Sự trở lại của phong cách cổ điển trong áo đấu Ngoại hạng Anh 2023/24

Điểm qua một số mẫu áo mới, có thể kể đến thiết kế áo sân nhà Chelsea mang phong cách retro, vừa cổ điển nhưng cũng rất hiện đại. Đội bóng thành London lấy cảm hứng từ chiếc áo mùa giải thành công 1997/98, khi The Blues lên ngôi vô địch League Cup và UEFA Cup Winners’ Cup. Tân binh Luton Town cũng đã trình làng thiết kế sân nhà lấy cảm hứng từ mùa giải 1974/75, mùa giải mà họ tranh tài ở hạng đấu cao nhất và đã phải… xuống hạng vào cuối mùa.

Bên cạnh những thiết kế nổi bật, vẫn còn đó những chiếc áo đấu đã không để lại quá nhiều ấn tượng cho người hâm mộ, thậm chí là sự thất vọng. Tiêu biểu nhất có lẽ là chiếc áo sân khách của West Ham. Mặc dù sở hữu lối thiết kế cổ điển và phong cách, thế nhưng, sự xuất hiện quá nổi bật của nhà tại trợ Betway trên nền trắng đã biến chiếc áo này như trở thành một chiếc bảng quảng cáo di động.

Jorginho and Kai Havertz celebrate Arsenal goal in 2023 MLS All-Star Game
(Getty Images)

Dự đoán kết quả bóng đá tại ĐÂY

Ngoài ra, người hâm mộ cũng không mấy mặn mà với thiết kế sân khách của hai ông lớn là Arsenal và Man United. Với Arsenal, tuy thiết kế sân nhà được đánh giá tích cực cùng chủ đề kỉ niệm 20 năm chiến tích Invincibles vô tiền khoáng hậu, song mẫu áo sân khách lấy cảm hứng từ khu vực Islington lại không được ưa chuộng, thậm chí có người còn ví thiết kế này với một con... sâu róm. Về phần Man United, thiết kế sân khách quá nhiều sọc ở trước, sau và tay áo đã “phong ấn” vẻ đẹp của chiếc áo này.

Một mùa giải mới đã sắp khởi tranh, chúng ta chờ đợi thưởng thức những màn trình diễn mãn nhãn của các ngôi sao, cùng “bữa tiệc thời trang” giữa các thương hiệu trên khắp các sân cỏ nước Anh.

XEM THÊM: Tại sao áo đấu đội tuyển quốc gia không có logo nhà tài trợ như của câu lạc bộ?

Chuyện áo đấu

Chuyện áo đấu Photo

Cộng tác cùng The Sporting News Vietnam từ năm 2023