Với mỗi kì đại hội thể thao được tổ chức, ngoài những màn tranh tài hấp dẫn của các môn thi đấu, người hâm mộ cũng quan tâm tới rất nhiều khía cạnh khác, trong đó có linh vật và ca khúc chủ đề của giải đấu.
Cùng Sporting News tìm hiểu về linh vật và bài hát chủ đề của kì SEA Games 32 tổ chức tại Campuchia năm nay.
Linh vật SEA Games 32
Nước chủ nhà Campuchia đã quyết định chọn một cặp linh vật làm đại diện cho kì đại hội năm nay. Cặp thỏ này được lấy cảm hứng từ Sophea Tonsay, chú thỏ trong truyện dân gian Khmer. Sophea Tonsay được rất nhiều người yêu mến vì tính cánh thông minh và đáng yêu của mình.
Hai chú thỏ có tên là Borey và Rumduol, khoác lên mình bộ trang phục võ thuật truyền thống Bokator màu xanh-trắng và đỏ-trắng tượng trưng cho quốc kì Campuchia. Ngoài ra, hai chú thỏ đeo băng buộc đầu có lá cờ của đất nước chủ nhà.
Theo người dân Campuchia, chú thỏ đực Borey cầm ngọn đuốc trên tay tượng trưng cho sự mạnh mẽ và ý chí quyết tâm giành chiến thắng. Trong khi đó, chú thỏ cái Rumduol với hai tay chắp trước ngực thể hiện lòng hiếu khách của đất nước Chùa Tháp.
Tác giả của thiết kế linh vật SEA Games 32 là Ly Kim An, hiện đang sinh sống ở thủ đô Phnom Penh. Nữ vận động viên taekwondo là người chiến thắng cuộc thi thiết kế logo và linh vật khởi xướng từ năm 2019.
XEM THÊM: Vì sao Campuchia tổ chức kì SEA Games 32 miễn phí?
Ca khúc chủ đề SEA Games 32
Ca khúc chủ đề của kì SEA Games năm nay có tên "Cambodian Pride", do Chet Tengrith sản xuất và các ca sĩ Preap Sovath, Khemarak Sereymun, Khem và Ton Chanseyma thể hiện. Ca khúc được ra mắt vào ngày 10/04 và ngay lập tức nhận được những phản hồi rất tích cực từ phía cộng đồng Đông Nam Á, với phần giai điệu vui nhộn, dễ nghe và phù hợp với các giải đấu thể thao.
Không chỉ vậy, bài hát cũng truyền tải được rất nhiều nét văn hóa đặc trưng của nước chủ nhà, như phần hòa âm của các nhạc cụ dân tộc và điệu múa của các vũ công, nền ẩm thực Campuchia hay môn võ truyền thống Kun Khmer. Rất nhiều địa danh nổi tiếng của xứ sở Chùa Tháp đã được giới thiệu trong MV như sân vận động Morodok Techo, đền Angkor Wat, cầu Neak Loeung,...
Hiện ca khúc đã đạt được 63 triệu lượt xem trên nền tảng YouTube.
XEM THÊM: Bảng tổng sắp huy chương SEA Games 32: Việt Nam đang xếp thứ bao nhiêu?