Không phải lúc nào đội tuyển Việt Nam cũng có được cơ hội thi đấu với một trong số những đội tuyển hàng đầu châu lục như Hàn Quốc. Tại sân Suwon, khi đội chủ nhà nhập trận với đội hình tốt nhất có thể và một tinh thần cực kì nghiêm túc, đội bóng của huấn luyện viên Philippe Troussier đã có nhiều bài học rút ra cho riêng mình.
Trình độ khác biệt giữa Hàn Quốc và Việt Nam
Có 4 yếu tố nền tảng trong gần như bất kì môn thể thao đối kháng nào là chiến thuật, kĩ thuật, thể chất và tâm lý. Trong một trận đấu Hàn Quốc thể hiện đầy đủ phẩm chất và đẳng cấp của đội bóng này ở cả 4 yếu tố ấy, khoảng cách về trình độ giữa hai đội bóng đã được thể hiện.
Ở từng đợt triển khai bóng của mình, có cảm giác rằng các học trò của huấn luyện viên Jurgen Klinsmann đều tiếp cận khung thành đối phương một cách đơn giản. Chơi bóng đơn giản luôn là thứ khó nhất trong bóng đá, bởi điều đó yêu cầu sự chuẩn chỉnh ở kĩ thuật, tư duy, tâm lý và thể chất. Những nhịp di chuyển không bóng, chơi một chạm, từng bước phát triển bóng tiếp cận vòng cấm địa đối phương đã nói lên tất cả.
ẢNH 1.1 – Chuyền nhận 1 chạm và di chuyển ở tốc độ cao.
ẢNH 1.2 – Tốc độ bóng lăn luôn nhanh hơn tốc độ di chuyển đội hình phòng ngự của đối phương.
Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức nhanh, sức mạnh trong các tình huống di chuyển (yếu tố thể chất), những đường chuyền 1 chạm chính xác (yếu tố kĩ thuật), và sự chuẩn chỉnh về vị trí trong những tình huống di chuyển (yếu tố tinh thần) đi cùng tâm lý chơi bóng thoải mái khiến ĐT Hàn Quốc luôn tạo ra những pha tấn công có sức nặng.
ẢNH 1.3 – ĐT Hàn Quốc dễ dàng đưa bóng tiếp cận khu vực 1/3 cuối sân.
ẢNH 1.4 – Di chuyển tấn công vòng cấm một cách chuẩn chỉnh với các điểm chạm như một buổi tập.
Một nửa trong số 6 bàn thắng mà Son Heung-min và các đồng đội ghi vào lưới đội tuyển Việt Nam đến sau những tình huống phối hợp chỉ một chạm. Đó có thể xem là minh chứng rõ rệt nhất ở khía cạnh đẳng cấp và trình độ giữa 2 ĐTQG.
ẢNH 1.5 – Khi ĐT Hàn Quốc đạt đẳng cấp cao nhất, những đường chuyền một chạm được thực hiện gọn gàng.
ẢNH 1.6 – Bóng tiếp cận vòng cấm địa đối phương chỉ sau 2 nhịp chạm bóng.
Trước tốc độ triển khai bóng nhanh và chính xác của đối phương, hệ thống phòng ngự của ĐT Việt Nam đơn giản là không thể chống đỡ, xét trên yếu tố thua thiệt ở nền tảng thể chất. Trong bàn thắng thứ 2 của Hwang Hee-chan, tiền vệ cánh đang chơi tại Ngoại hạng Anh thậm chí còn có vị trí xuất phát phía dưới trung vệ của đội khách, nhưng vẫn có thể thực hiện tình huống bứt tốc đoạn ngắn và dứt điểm 1 chạm bằng chân không thuận cực kì gọn gàng.
ẢNH 1.7 – Bàn thắng đẳng cấp của Hwang Hee-chan.
Trận đấu tại Suwon còn cho ĐT Việt Nam thấy được tính chi tiết ở đẳng cấp châu lục. Hàn Quốc vươn lên dẫn trước sau pha đánh đầu từ tình huống phạt góc của Kim Min-jae. Đó là một pha bóng nhìn có vẻ đơn giản với pha bật lên như chỗ không người của trung vệ đang chơi cho Bayern Munich. Song, để Kim có được khoảng trống ấy, đội tuyển Hàn Quốc đã bố trí riêng một cầu thủ chỉ để ngăn cản đà bật nhảy của Bùi Hoàng Việt Anh – một dấu hiệu cụ thể cho việc nghiên cứu đối thủ.
ẢNH 1.8 – Bàn thắng mở tỉ số của Kim Min-jae.
Như những gì huấn luyện viên Troussier đã nói, được thi đấu với Hàn Quốc có thể xem là một món quà cho Việt Nam, một trận đấu để chúng ta biết mình đang ở đâu và có khoảng cách ra sao với trình độ cao nhất tại châu lục.
Điểm sáng của đội tuyển Việt Nam
Dẫu phải nhận thất bại đậm nhất trong 3 trận giao hữu vào tháng 10, nhưng trận đấu cuối cùng này lại là trận đấu ĐT Việt Nam cho thấy hình ảnh tích cực nhất trong những phương án tấn công của mình.
Đã có những dấu hiệu cho thấy Hoàng Đức bắt nhịp và làm quen hơn trong vai trò tiền đạo lùi của mình cũng như sự kết hợp với cặp tiền vệ trung tâm. Những cầu thủ chạy cánh cũng đã biết cách để có mặt ở những vị trí cần thiết khi bóng tiếp cận khu vực 1/3 sân đối phương. Những cơ hội mà Trương Tiến Anh bỏ lỡ rõ ràng đến từ kĩ thuật cá nhân và tâm lý của bản thân cầu thủ Viettel, nhưng việc Trương Tiến Anh có mặt ở những vị trí dứt điểm ấy chắc chắn là những cải thiện lớn trong cách chơi của ĐT Việt Nam.
ẢNH 2.1 – Tình huống dẫn đến cơ hội của ĐT Việt Nam trong hiệp 1.
Bên cạnh đó, không chỉ ở trận đấu với Hàn Quốc, mà ở cả 3 trận đấu giao hữu đã qua với những đối thủ được đánh giá cao hơn trên bảng xếp hạng FIFA, những nhân tố trẻ cũng đã được trao cơ hội thi đấu. Trong số những cá nhân sinh từ năm 2001 trở về sau ấy, Khuất Văn Khang rõ ràng là một trong những người đủ khả năng trở thành nhân tố đột biến ở ĐTQG với kĩ thuật cá nhân và sự dẻo dai của mình.
Tiền vệ trẻ của Viettel mang đến những nét đầy tích cực trong hiệp thi đấu thứ 2.
ẢNH 2.2 – Khuất Văn Khang cho thấy sự tự tin và phẩm chất kĩ thuật của mình ở những tình huống có bóng.
ẢNH 2.3 – Dù không sở hữu thể hình ấn tượng, nhưng độ nhanh và khả năng kiểm soát bóng cũng như ra quyết định của Văn Khang là thứ đáng chờ đợi.
Huấn luyện viên Philippe Troussier chắc hẳn đang có những sự tính toán cho riêng mình với một lứa cầu thủ mới, và có tiềm năng. Sự có mặt của Phan Tuấn Tài, Giáp Tuấn Dương, Võ Minh Trọng, Hồ Văn Cường, Nguyễn Thái Sơn, Hoàng Văn Toản, Khuất Văn Khang, Nguyễn Đình Bắc trong những trận đấu giao hữu này sẽ giúp bản thân nhóm cầu thủ trẻ của ĐTQG Việt Nam có những trải nghiệm đầy giá trị cho bản thân mình.
Quá trình chuẩn bị cho hai mục tiêu quan trọng sắp tới của ĐT Việt Nam là vòng loại World Cup 2026 và Asian Cup 2024 đã khép lại. Giờ là lúc HLV Philippe Troussier và các học trò cần chứng minh năng lực ở những giải đấu được xem là chính thức đầu tiên của mình ở cấp độ ĐTQG. Khi mọi sự thử nghiệm đã kết thúc, thành công của chiến lược gia người Pháp sẽ được đánh giá dựa trên kết quả thực chiến trong các trận đấu ấy.
XEM THÊM: Tại sao HLV Philippe Troussier sử dụng Hoàng Đức đá tiền đạo ở đội tuyển Việt Nam?