Nhân dịp giải hạng Nhất tạm ngừng để đội tuyển Quốc gia và U23 Việt Nam tập trung, tiền vệ Việt kiều Tony Lê Tuấn Anh dành cho The Sporting News cuộc phỏng vấn về cuộc sống và sự nghiệp của mình sau gần 3 năm thi đấu ở đất mẹ.
Vì dịch COVID, Bình Định không thể mua đứt Tuấn Anh
Chào Tuấn Anh! Bạn đã có mùa giải thứ 3 thi đấu ở Việt Nam. So với ngày còn ở Cộng hòa Séc, cuộc sống của Tuấn Anh hiện tại đã thay đổi ra sao?
Mọi thứ bây giờ rất khác so với trước. Tôi sống một mình ở Việt Nam, còn gia đình đều ở Cộng hòa Séc. Tôi học cách đương đầu và giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống bằng nỗ lực tự thân. Tôi nghĩ điều này cũng tốt thôi. Nó giúp tôi tìm kiếm và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Tuấn Anh đã thi đấu cho hai CLB là Bình Định và PVF-CAND (tiền thân là Phố Hiến). Bạn đã trải qua những khó khăn và thuận lợi nào cả trong lẫn ngoài sân cỏ? Trong thời gian này, ai là người đã chỉ bảo, giúp đỡ Tuấn Anh nhiều nhất?
Trải nghiệm ở cấp CLB rất khác so với khi khoác áo đội tuyển trẻ Quốc gia. Đội bóng đầu tiên của tôi là Bình Định. Tôi đã gặp phải rất nhiều khó khăn ở đó. Tôi mất 4 tháng đầu chỉ để làm quen dần với giọng địa phương. Tiếp đó nữa là vấn đề thời tiết.
Nhưng đổi lại, điều tôi nhận được là cơ hội ra mắt ở V-League. Tôi được làm việc với một tập thể cầu thủ chất lượng và đặc biệt là một vị huấn luyện viên có đẳng cấp hàng đầu chú Nguyễn Đức Thắng.
Chú Thắng rất quý tôi và sẵn lòng yêu cầu câu lạc bộ chi tiền mua lại hợp đồng giữa tôi với Bohemians Praha (khi đó còn ràng buộc 1.5 năm - PV). Tuy nhiên dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát và nó đã phá hỏng tất cả. Khi giải đấu được xác nhận tạm dừng, tôi phải trở về Cộng hòa Séc theo yêu cầu của mẹ. Từ nhỏ đến lớn mọi người đều biết bố là người luôn theo sát tôi. Nhưng bố không ở Việt Nam lúc đó. Người quan tâm và lo lắng cho tôi chính là anh họ và anh Mạc Hồng Quân.
Tại Bình Định, tôi thấy bạn ít được thi đấu. Nếu có thì cũng phải đá trái sở trường trong vai trò tiền đạo. Nguyên nhân có phải nằm ở việc Bình Định có quá nhiều ngôi sao? Có phải bạn đã chia tay đội bóng xứ Nẫu cũng vì điều này?
Đó không phải nguyên nhân. Như đã nói, nếu không có dịch COVID-19, tôi đã ký hợp đồng dài hạn với Bình Định. Đội bóng này sẵn lòng chi tiền để mua lại hợp đồng giữa tôi và Bohemians.
Tôi cũng không quan trọng hóa việc phải chơi ở trung tâm hay dạt cánh. Bất kể HLV yêu cầu điều gì, tôi đều sẵn lòng làm theo. Miễn là nó mang lại điều tốt nhất cho đội bóng. Và cũng cần phải nói thêm, khi tôi còn khoác áo Bình Định, họ vẫn chưa sở hữu nhiều ngôi sao như mùa 2022 hoặc 2023.
Lý do chính khiến tôi ít được chơi chỉ đơn giản là vì tôi là một cầu thủ trẻ và cần thêm thời gian để hòa nhập. Quá trình này không hề đơn giản như mọi người vẫn nghĩ. Các cầu thủ Việt kiều khác cũng sẽ gặp vấn đề tương tự.
Chuyện gì đã xảy ra sau đó khi Tuấn Anh bất ngờ cập bến Phố Hiến (và bây giờ là PVF-CAND)?
Sau khi V-League tạm dừng, tôi trở về Cộng hòa Séc tiếp tục khoác áo Bohemians B. Đầu năm 2022, tôi quyết định bỏ ra 200 triệu đồng tiền túi để mua lại nửa năm hợp đồng và có thể tự do chuyển tới đội bóng quê nhà SK Benesov (khi đó đang thi đấu ở giải hạng Ba Cộng hòa Séc - PV).
Tại CLB này, tôi có cơ hội thi đấu thường xuyên và đóng một vị trí quan trọng trong đội hình. Điều này rất có lợi cho tôi khi quay lại Việt Nam và tìm kiếm một bến đỗ mới. Kết thúc mùa giải 2021/22 tại châu Âu, tôi về nước và tìm tới PVF.
Tôi hiểu rõ tầm vóc và sự tiện nghi của PVF bởi đã từng tập luyện, sinh hoạt tại đây trong các đợt tập trung của đội tuyển U18/19 Việt Nam. Tôi đã liên hệ với Giám đốc Vũ Tiến Thành và được ông ấy trao cho cơ hội thử việc trong 2 tuần. Chỉ sau 4 ngày, ông ấy đã nói Phố Hiến sẽ chiêu mộ tôi. Và hợp đồng thực tế đã được ký kết. Tất cả những chuyện này diễn ra rất mau chóng. Tôi đã nói mình muốn được thi đấu ở Việt Nam và sẵn sàng làm mọi điều để hiện thực hóa ý định đó.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Tuấn Anh trong 3 mùa thi đấu ở Việt Nam là gì?
Đó chắc chắn là trận đấu ra mắt V-League gặp Bình Dương vào ngày 29/3/2021. Tôi được tung vào sân ở cuối hiệp 2 và đã có khoảng 15 phút đầu tiên ở hạng đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam.
Đến lúc này, Tuấn Anh đã có 1 mùa V.League và 2 mùa hạng Nhất, bạn đánh giá thế nào về chất lượng ở 2 hạng đấu này?
Sự khác biệt giữa V.League và giải hạng Nhất theo tôi chỉ là ngoại binh và tốc độ thi đấu. Tại V-League cầu thủ cần xử lý bóng nhanh hơn giải hạng dưới.
Một điều nữa cần phải đề cập là mặt cỏ. Đa phần các CLB ở hạng Nhất đều sở hữu sân thi đấu không được tốt. Nó khiến các trận đấu trở nên khốc liệt, khó nhằn hơn rất nhiều.
Với những gì bạn đã chứng kiến và trải nghiệm, bóng đá Việt Nam và Cộng hòa Séc khác nhau như thế nào? Bạn có giới thiệu về bóng đá Việt Nam với bạn bè đồng nghiệp ở quê nhà. Có ai đó muốn được sang đây thi đấu không nhỉ?
Đó là một sự khác biệt cực lớn. Tôi không biết phải giải thích thế nào nhưng nó giống như hai thế giới khác nhau vậy. Khác biệt từ phong cách chơi bóng, tốc độ trận đấu cho tới cả chiến thuật.
Mọi người ở Cộng hòa Séc hỏi tôi rất nhiều về Việt Nam. Và tôi cũng đang cố gắng thuyết phục ai đó đến đây trải nghiệm cùng mình. Người gần nhất tôi nói chuyện chính là Tomas Dương Thanh Tùng (một cầu thủ 24 tuổi người Việt Nam cùng trưởng thành từ lò Bohemians Praha như Tony - PV) (cười).
Bạn đã từng làm việc với HLV Nguyễn Đức Thắng và Mauro Jeronimo. Phong cách huấn luyện của 2 vị chiến lược gia này có gì khác biệt? Điều gì ở họ khiến bạn cảm thấy ấn tượng?
Điểm chung giữa hai vị HLV này là họ trao cơ hội cho cầu thủ trẻ và có cùng phương pháp làm việc hiện đại. Cả hai đều là những người thầy giỏi. Khác biệt nếu có thì cũng không đáng kể và dễ hiểu thôi vì một người ở Việt Nam và một đến từ châu Âu.
Các HLV này đã giúp Tuấn Anh thay đổi như thế nào so với hồi còn khoác áo đội trẻ Bohemians Praha nhỉ? Và lúc này, bạn nghĩ mình cần phải cải thiện điều gì nhiều nhất?
HLV Nguyễn Đức Thắng đã thay đổi tôi rất nhiều trong thời gian làm việc cùng. Chú giúp tôi thích ứng nhanh với bóng đá Việt Nam. Đến bây giờ tôi vẫn rất biết ơn chú. Còn HLV Mauro thì giúp tôi cải thiện điểm yếu về tốc độ và khả năng đọc trận đấu.
Mối quan hệ với các đàn anh ở U20 Việt Nam 2017
Bạn vẫn theo dõi các đồng đội cũ ở U18 Việt Nam năm 2017 như Văn Hậu, Tiến Dụng, Quang Hải, Đức Chinh… chứ?
Các bạn và các anh đều đang có một cuộc sống tốt. Tôi vẫn giữ liên hệ với tất cả. Bật mí là một vài người còn ở chung tòa nhà tại PVF với tôi nữa đấy. Vài năm gần đây bạn Hậu và anh Hải đã xuất ngoại đến châu Âu. Tôi rất vui vì điều này, và mong rằng cả hai sẽ ngày càng thành công hơn trong sự nghiệp.
Năm 2017, khi về tập trung cùng U20 Việt Nam, bạn từng nói nhiều cầu thủ Việt Nam đủ sức đá tốt ở giải VĐQG Cộng hòa Séc. Đến giờ bạn vẫn giữ suy nghĩ này chứ?
Tôi vẫn giữ suy nghĩ này thôi. Có rất nhiều cầu thủ chất lượng với tiềm năng phát triển lớn ở Việt Nam lúc này. Xin được thứ lỗi vì tôi không tiện và không thể nêu tên chi tiết.
Ngoài nhóm cầu thủ kể trên, Tuấn Anh còn chơi thân hoặc có mối quan hệ tốt với ai nữa?
Tôi giữ quan hệ bạn bè tốt đẹp với anh Mạc Hồng Quân, anh em nhà Bùi Tiến Dũng/Bùi Tiến Dụng cùng các cựu cầu thủ Bình Định như Nguyễn Xuân Nam, Trần Văn Trung hay Lê Tiến Anh. Khi còn ở Quy Nhơn, những người này đã giúp tôi rất nhiều.
À, tôi quên mất, tất nhiên cũng phải nói tới người bạn cùng phòng lúc này ở PVF, anh Lục Xuân Hưng nữa. Đó cũng là một người anh tốt của tôi. Trước đây tôi được mọi người giúp đỡ để hòa nhập và bây giờ tôi đang làm điều đó với anh Patrik Lê Giang (thành viên CLB Công an Hà Nội cũng đóng quân tại trung tâm PVF - PV).
Muốn thành công, cầu thủ Việt kiều phải học tiếng Việt
Bạn đã có gần 3 mùa giải thi đấu tại Việt Nam. Nếu phải dành lời khuyên cho cầu thủ Việt kiều đi sau, bạn sẽ nói điều gì?
Hãy học cách làm quen với thời tiết, sự khác biệt về lối sống, phong cách chơi bóng và đặc biệt là hãy học tiếng Việt. Nếu cầu thủ Việt kiều có đủ khả năng, V.League hay thậm chí hạng Nhất Việt Nam đều có thể là cơ hội dành cho họ. Bạn sẽ học hỏi được rất nhiều khi thi đấu tại những giải như thế này.
Sau Tuấn Anh, một cầu thủ Việt kiều Cộng hòa Séc khác là Andrej Nguyễn An Khánh cũng đã có cơ hội tập trung đội tuyển U23 Việt Nam. Hồi còn ở quê nhà, bạn đã từng nghe về người đàn em đồng hương này chưa?
Tôi chưa từng nghe đến cái tên An Khánh khi còn ở Cộng hòa Séc. Đơn giản là vì cậu ấy nhỏ hơn tôi khá nhiều. Chúng tôi chưa có cơ hội gặp mặt ở các giải đấu dành cho cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc. Nhưng hiện tại tôi vẫn đang theo dõi và cầu chúc cho An Khánh sẽ thành công tại Việt Nam.
Sau gần 3 năm về nước thi đấu, sự nghiệp của Tuấn Anh chưa thực sự nhảy vọt. Hỏi thật nhé, bạn có cảm thấy hối tiếc khi đã rời Cộng hòa Séc ở tuổi 21 không? Nếu ở lại, biết đâu đấy, bạn sẽ có một cơ hội khác phù hợp hơn?
Bạn không thể đánh giá cuộc sống này bằng một chữ nếu. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình không làm cái này, không làm cái kia trong quá khứ. Đến bây giờ tôi đã đưa ra một số quyết định và không hề cảm thấy hối tiếc vì bất kỳ điều gì.
Trong gia đình bố là người có ảnh hưởng lớn với Tuấn Anh. Đến giờ bố vẫn ủng hộ con đường và sự nghiệp của bạn chứ?
Bố vẫn luôn ủng hộ tôi như đã từng trong suốt 24 năm đã qua. Cả mẹ và chị gái cũng vậy. Họ vẫn theo dõi hành trình của tôi. Có thể nói tôi tập luyện, thi đấu vất vả hàng ngày chính là để không phụ công gia đình. Tôi biết mọi người đã hy sinh rất nhiều để tôi có được ngày hôm nay. Tôi luôn trân quý và biết ơn vì điều đó. Gia đình luôn luôn và mãi mãi là số một.
Trong tương lai, nếu tiếp tục không thành công ở Việt Nam, Tuấn Anh có nghĩ mình sẽ quay lại châu Âu hoặc tìm cơ hội khác ở các nước châu Á, ví như Thái Lan hay Malaysia?
Tôi chưa từng suy nghĩ đến việc này. Điều tôi quan tâm nằm ở hiện tại. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra ở tương lai. Trước mắt tôi cố gắng làm mọi thứ có thể để giữ chân mình ở lại Việt Nam.
Cảm ơn Tuấn Anh về cuộc trao đổi này!
Minh Phương
Thông tin cầu thủ Tony Lê Tuấn Anh
Họ tên |
Tony Lê Tuấn Anh |
Năm sinh |
26/8/1999 |
Nơi sinh |
Benesov, Cộng hòa Séc |
Chiều cao |
1m82 |
Cân nặng |
77kg |
Vị trí |
Tiền vệ trung tâm |
Thần tượng |
Neymar |
Đào tạo trẻ |
Bohemians Praha |
Đội bóng |
Bohemians Praha B (2018/19/20), Bình Định (2021), SK Benešov (2021/22), Phố Hiến (2022), PVF CAND (2023-) |
XEM THÊM: 12 cầu thủ Việt kiều ở V-League 2023 đã thể hiện ra sao?